– Đối với vấn đề lập thủ tục về bảo vệ môi trường:
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chủ cơ sở phải lập hồ sơ môi trường trước khi đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất. Hiện tại, Cơ sở đã đi vào hoạt động với ngành nghề xay nhựa phế liệu ra nhựa mảnh, hạt nhựa từ năm 2010 và dự kiến sẽ xây dựng xưởng, lắp đặt máy móc để bổ sung thêm ngành nghề sản xuất túi ni lông, tuy nhiên theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì ngành nghề dự kiến bổ sung của cơ sở tại vị trí trên không thuộc danh mục các dự án đầu tư được bố trí ngoài khu, cụm công nghiệp; đồng thời không phù hợp với chủ trương và định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay của tỉnh Bình Dương (khuyến khích các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch). Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Cơ sở liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn lập thủ tục thỏa thuận chủ trương đầu tư dự án đối với ngành nghề sản xuất túi ni lông (để được đánh giá sơ bộ sự phù hợp về mặt quy hoạch sử dụng đất; đáp ứng hạ tầng kỹ thuật về thoát nước và về tác động đến môi trường).
Song song đó, chủ đầu tư căn cứ theo quy mô, công suất hoạt động sản xuất túi ni lông và so sánh theo danh mục quy định tại Phụ lục II của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ và Phụ lục 5.1 của Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với ngành nghề tái chế phế liệu nhựa, công suất từ 10 tấn/ngày trở lên; đối với ngành sản xuất túi ni lông, công suất từ 100 tấn sản phẩm/năm trở lên) hay Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với ngành nghề tái chế phế liệu nhựa, công suất từ 05 đến dưới 10 tấn/ngày; đối với ngành sản xuất túi ni lông, công suất dưới 100 tấn sản phẩm/năm trở lên) hay Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện (tái chế phế liệu nhựa, công suất dưới 05 tấn/ngày) (bao gồm đánh giá cho hoạt động sản xuất hiện hữu và ngành nghề dự kiến bổ sung) theo đúng quy định và gởi Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện để được thẩm định phê duyệt/xác nhận.
– Đối với việc hướng dẫn về đăng ký Giấy chứng nhận sản phẩm túi ni lông an toàn: Theo quy định Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT ngày 04 tháng 7 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường thì hồ sơ đăng ký công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường được quy định tại Điều 10 của Thông tư này, bao gồm:
1. 01 (một) bản đăng ký công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.
2. 01 (một) bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh.
3. 01 (một) bản sao của 01 (một) trong các văn bản sau: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết; giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
4. 01 (một) bản sao của 01 (một) trong các văn bản sau:
a) Đối với cơ sở thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường: Giấy xác nhận về việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trước khi đi vào vận hành chính thức; Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành;
b) Đối với cơ sở thuộc đối tượng phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết: Giấy xác nhận hoàn thành việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở.
5. 01 (một) bản sao Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm (Certificate of Origin) đối với sản phẩm túi ni lông nhập khẩu.
6. 01 (một) báo cáo kết quả quan trắc, giám sát môi trường định kỳ mới nhất của cơ sở sản xuất.
7. 01 (một) Phiếu kết quả thử nghiệm và 02 mẫu sản phẩm đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Thông tư này. Trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường chưa có kết quả thử nghiệm khả năng phân hủy sinh học của sản phẩm thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
8. 01 (một) bản mô tả sản phẩm túi ni lông có khả năng phân hủy sinh học và các tài liệu có liên quan: Giới thiệu thành phần nguyên liệu, quy trình sản xuất; đặc tính của sản phẩm; nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa; hướng dẫn sử dụng, bảo quản theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này hoặc Kế hoạch thu hồi tái chế túi ni lông có độ dày lớn hơn 30 µm theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.